Danh mục các mặt hàng sử dụng năng lượng (phương tiện, thiết bị…) phải dãn nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (mức MEPS) khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, các thiết bị thuộc nhóm thiết bị gia dụng, nhóm thiết bị công nghiệp và nhóm thiết bị văn phòng sẽ không được phép nhập khẩu và sản xuất nếu thiết bị này có hiệu suất dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (Mức MEPS). Bộ Công Thương sẽ không cấp Chứng nhận dán nhãn năng lượng cho những trang thiết bị, phương tiện đăng ký có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn Mức MEPS công bố tại Quyết định 78.

2. Mức MEPS áp dụng đối với các sản phẩm máy thu hình, điều hòa không khí, màn hình máy tính, máy in, máy photocopy sẽ sử dụng theo các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành (chi tiết xem tại Phụ lục gửi kèm).

3. Để giảm chi phí các tổ chức, cá nhân phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính, Doanh nghiệp được sử dụng các Quyết định dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương ban hành, có phạm vi chứng nhận phù hợp, còn hiệu lực, để làm việc với các cơ quan chức năng đối với các thủ tục liên quan đến Mức MEPS.

MEPS là gì? MEPS là mức Hiệu suất Năng lượng THẤP NHẤT mà các sản phẩm sử dụng năng lượng PHẢI ĐẠT ĐƯỢC để được phép lưu thông trên thị trường.

5670633_orig

Danh mục các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về Hiệu suất năng lượng cho các phương tiện thiết bị phải dán nhãn năng lượng và Phạm vi áp dụng.

1. Đèn Huỳnh quang Compact (CFL) – TCVN 7896:2008 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho bóng đèn huỳnh quang compact (sau đây viết tắt là CFL) làm việc với balát điện tử tần số cao, có dải công suất từ 5 W đến 60 W. Tiêu chuẩn này qui định hiệu suất năng lượng của bóng đèn huỳnh quang compact.

2. Đèn huỳnh quang ống thẳng (FL) – TCVN 8249:2009 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho bóng đèn huỳnh quang dạng ống (sau đây gọi tắt là bóng đèn huỳnh quang), có dải công suất từ 14 W đến 40 W.

3. Chấn lưu điện từ cho đèn huỳnh quang- TCVN 8248:2009 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các balát điện từ dùng cho bóng đèn huỳnh quang ống thẳng có công suất từ 18 W đến 40 W.

4. Chấn lưu điện tử cho đèn huỳnh quang – TCVN 7897:2008 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang ống thẳng có công suất từ 18 W đến 40 W. Tiêu chuẩn này qui định hiệu suất năng lượng của balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang ống thẳng.

5. Máy Điều hòa không khí không ống gió TCVN 7830:2012 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho máy điều hòa không khí không ống gió sử dụng máy nén-động cơ kiểu kín và giàn ngưng tụ làm mát bằng không khí (sau đây gọi tắt là thiết bị) có năng suất lạnh danh định đến 14 000 W (48 000 BTU/h).

Tiêu chuẩn này quy định giá trị hiệu suất năng lượng tối thiểu và các cấp hiệu suất năng lượng của thiết bị. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các máy điều hòa không khí làm mát bằng nước, loại có ống gió, loại xách tay hoặc các máy điều hòa không khí nhiều hơn hai cụm.

6. Máy giặt – TCVN 8526:2010 – Tiêu chuẩn này qui định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (gọi tắt là MEP) và phương pháp xác định hiệu suất năng lượng cho máy giặt gia dụng kiểu khuấy trộn và kiểu cánh trộn có năng suất danh định từ 2 kg đến 15 kg, sử dụng điện 220 V, tần số 50 Hz.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
– máy giặt kiểu trống ngang;
– máy giặt chỉ có chức năng giặt hoặc chỉ có chức năng vắt;
– máy giặt có thiết bị sấy khô;
– máy giặt có chức năng giặt bằng nước nóng.

7. Nồi cơm điện – TCVN 8252:2009 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho nồi cơm điện thông dụng dùng trong gia đình và các mục đích sử dụng tương tự, có dung tích danh định đến 3 lít. Tiêu chuẩn này qui định hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS), các cấp có hiệu suất cao hơn hiệu suất tối thiểu và phương pháp xác định hiệu suất năng lượng.

8. Quạt điện -TCVN 7826:2007 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho quạt bàn, quạt đứng, quạt treo tường và quạt trần (sau đây gọi tắt là quạt điện) được sử dụng để điều hoà không khí trong gia đình và các mục đích sử dụng tương tự. Tiêu chuẩn này quy định hiệu suất năng lượng tối thiểu và phân cấp hiệu suất năng lượng của quạt điện.

9. Máy thu hình – TCVN 9536:2012 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các máy thu hình có công suất danh định nhỏ hơn 1 000 W, gồm một bộ thu/bộ điều hưởng và một màn hình nằm trong cùng một vỏ bọc. Màn hình thường là thiết bị hiển thị kiểu ống tia điện tử (CRT), kiểu tinh thể lỏng (LCD) sử dụng công nghệ HCFL, CCFL, LED, v.v…, kiểu plasma (PDP) hoặc thiết bị hiển thị khác và được thiết kế để nhận và hiển thị tín hiệu truyền hình quảng bá qua anten, vệ tinh hoặc cáp.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho cả các bộ TV/VCR, TV/DVD, TV/VCR/DVD kết hợp. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các máy thu hình có chức năng máy tính, OCAP, IP và các bộ thu truyền hình khác có các chức năng đặc biệt. Tiêu chuẩn này qui định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (công suất tiêu thụ lớn nhất) và phân cấp hiệu suất năng lượng của máy thu hình.

10. Máy photocopy – TCVN 9510:2012 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các máy photocopy có định dạng chuẩn mà chức năng chính là tạo ra nhiều bản cứng giống bản gốc. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các thiết bị thực hiện nhiều chức năng như chức năng của máy in, máy fax và máy quét. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các máy photocopy khổ lớn và các máy photocopy chuyên dụng có tốc độ lớn hơn hoặc bằng 60 ipm.

Tiêu chuẩn này qui định giá trị hiệu suất năng lượng tối thiểu và phương pháp xác định công suất tiêu thụ của máy photocopy ở chế độ tắt.

11. Máy in – TCVN 9509:2012 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các máy in có định dạng chuẩn. Tiêu chuẩn này áp dụng cho thiết bị thực hiện nhiều chức năng như chức năng của máy photocopy, máy fax và máy quét. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các máy in khổ lớn và các máy in chuyên dụng có tốc độ lớn hơn hoặc bằng 60 ipm. Tiêu chuẩn này qui định giá trị hiệu suất năng lượng tối thiểu và phương pháp xác định công suất tiêu thụ của máy in ở chế độ tắt.

12. Màn hình máy tính – TCVN 9508:2012 – Tiêu chuẩn này áp dụng cho các màn hình máy tính (dưới đây gọi là màn hình) gồm một màn hình hiển thị và các mạch điện tử liên kết, thường được lắp đặt trong một vỏ bọc duy nhất, có khả năng hiển thị thông tin bằng hình ảnh từ một máy tính thông qua một hoặc nhiều đầu vào, ví dụ như VGA và DVI.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các loại màn hình sau: Màn hình hiệu suất cao; Màn hình chuyên dụng; Một số màn hình có chức năng đặc biệt khác. Tiêu chuẩn này qui định giá trị hiệu suất năng lượng tối thiểu và phương pháp xác định công suất tiêu thụ của màn hình máy tính.

13. Máy biến áp phân phối ba pha – TCVN 8525:2010 – Tiêu chuẩn này qui định về mức và phương pháp xác định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (gọi tắt là MEP) áp dụng cho các máy biến áp phân phối ba pha loại ngâm trong dầu được làm mát tự nhiên, có công suất danh định từ 25 kVA đến 2 500 kVA và có điện áp danh định đến 35 kV, có tần số danh định là 50 Hz.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho một số loại máy biến áp đặc biệt như:
– Máy biến áp kiểu tự ngẫu;
– Máy biến áp dùng cho các phương tiện kéo được lắp đặt trên đầu kéo;
– Máy biến áp dùng để khởi động;
– Máy biến áp dùng cho thử nghiệm;
– Máy biến áp hàn;
– Máy biến áp ba pha có ba hoặc nhiều hơn ba cuộn dây trên mỗi pha;
– Máy biến áp lò hồ quang;
– Máy biến áp dùng để nối đất;
– Máy biến áp chỉnh lưu hoặc bộ chuyển đổi;
– Máy biến áp cung cấp điện không gián đoạn;
– Máy biến áp có trở kháng nhỏ hơn 3 % hoặc lớn hơn 8 %;
– Máy biến áp dùng để điều chỉnh điện áp;
– Máy biến áp được thiết kế ở tần số khác với 50 Hz; hoặc
– Máy biến áp chịu cháy.

14. Động cơ điện (Motor) – TCVN 7450-1:2005 – Tiêu chuẩn này quy định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEP) đối với động cơ điện không đồng bộ 3 pha rotor lồng sóc, loại vỏ kín (IP44), có công suất danh định nằm trong dãy từ 0.55kW đến 150 kW, dùng làm việc ở chế độ liên tục S1 (xem TCVN 6627-1:2000 (IEC 34-1:1994)) và được đấu vào lưới điện có điện áp danh định không vượt quá 400V, tần số 50 Hz hoặc 60 Hz.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
– Hệ thống động cơ – hộp số lắp liền;
– Động cơ có nhiều tốc độ hoặc động cơ thay đổi được tốc độ;
– Động cơ quấn lại hoặc động cơ đã qua sử dụng;
– Các loại động cơ điện có công dụng đặc biệt như động cơ có momen khởi động tăng cao.

8637100_orig

Danh sách các Cơ sở thử nghiệm MEPS được chỉ định kiểm nghiệm:

– Phòng thử nghiệm Điện- Điện tử – Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chât lượng 1 (Quatest 1).
– Phòng thử nghiệm Điện- Điện tử – Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chât lượng 3 (Quatest 3).
– Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM.
– Trung tâm thử nghiệm-Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí Năng lượng & Mỏ, Vinacomin.
– Phòng thử nghiệm Công ty TNHH Intertek Testing Services (Thái Lan).
– Korea Testing Laboratory (KTL) Hàn Quốc.
– Phòng thử nghiệm Điện- Điện tử – Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chât lượng 2 (Quatest 2).

Căn cứ pháp lý:
– Công văn số 1592/TCHQ-GSQL ngày 14/02/2015 V/v thực hiện mức hiệu suất năng lượng tối thiểu – Mức MEPS.

Công văn số 1808/TCNL-KHCN ngày 30/12/2014 V/v hướng dẫn thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

– Công văn số 4748/BKHCN-CNN ngày 22/12/2014

– Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT ngày 24/09/2014 Quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống.

– Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 quy định Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

– Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04/04/2012 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.

– Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/09/2011 quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

>>Wiki Thủ Tục Hải Quan - Logistics VN<<

☻Bài học thì rất nhiều nhưng quan trọng là có nhớ được nó hay không. ☻Hãy loại bỏ từ "giá như" và những từ đồng nghĩa với nó ra khỏi cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *