(HQ Online)- Trước vướng mắc của Hải quan một số tỉnh, thành phố về thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS, việc tạm nhập – tái xuất, tạm xuất -tái nhập hàng hóa…, Vụ Pháp chế đã có giải đáp.

Công chức Chi cục Hải quan Bắc Ninh (Cục Hải quan Bắc Ninh) làm thủ tục cho DN. Ảnh: HỮU LINH

Cục Hải quan Quảng Nam phản ánh, đối với hàng hóa nhập vào kho ngoại quan (loại hình C11), trên Hệ thống VNACCS/VCIS chưa quản lý trừ lùi hàng nhập xuất tồn trực tiếp trên tờ khai (tờ khai cũ mẫu HQ/2012-KNQ có phần trừ lùi ở mặt sau). Vì vậy, rất khó theo dõi số lượng hàng tồn kho của tờ khai (Hệ thống VNACCS/VCIS chưa có chức năng thanh khoản trực tiếp trên hệ thống, do đó phải theo dõi và thanh khoản bằng tay nên mất thời gian và khó khăn trong công tác báo cáo).

=> Trả lời vấn đề này, Vụ pháp chế cho biết: Hệ thống VNACCS được thiết kế để quản lý việc thông quan tờ khai nhập/xuất kho ngoại quan (mã loại hình C11), không hỗ trợ thanh khoản đối với loại hình này. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện thanh khoản sẽ thực hiện bên ngoài hệ thống.

Tại dự thảo Thông tư về quản lý kho ngoại quan đang được thiết kế theo hướng sẽ không sử dụng tờ khai nhập/xuất kho ngoại quan, thay vào đó sử dụng danh mục đưa hàng vào/ra kho ngoại quan. Việc thanh khoản sẽ thực hiện theo hình thức nhập – xuất – tồn. Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ các yêu cầu nghiệp vụ và thực hiện nâng cấp chức năng quản lý trong thời gian tới.

 Cục Hải quan Bình Phước phản ánh vướng mắc về hệ thống tiếp nhận, xử lý tờ khai, khai báo định mức. Hiện hệ thống chưa đáp ứng cho công tác quản lý đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu. Với hệ thống hiện tại (V5), DN chưa đăng ký định mức hoặc định mức đã đăng ký nhưng chưa được duyệt, nhưng DN vẫn đăng ký được tờ khai XK mà Hệ thống không cảnh báo. Điều này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong công tác quản lý cũng như khó khăn cho DN trong công tác khai báo.

=> Trả lời vướng mắc này, Vụ Pháp chế cho biết: Việc đăng ký danh mục, nguyên phụ liệu, định mức được thực hiện trên hệ thống Ecustoms5 và mở tờ khai được thực hiện trên Hệ thống VNACCS. Hệ thống VNACCS không có liên kết với hệ thống Ecustoms5.

Theo quy định về nghiệp vụ, trước thời điểm mở tờ khai DN phải đăng ký nguyên liệu, sản phẩm, định mức… trên hệ thống Ecustoms5, sau đó DN đăng ký tờ khai trên VNACCS. Vì vậy, khi DN đăng ký tờ khai  gia công và sản xuất xuất khẩu sau thời điểm đăng ký định mức là chưa đúng so với quy định nghiệp vụ.

Hiện tại, trên hệ thống Ecustoms5 đã có chức năng cảnh báo cho cán bộ Hải quan biết tờ khai chưa được đăng ký sản phẩm hay định mức. Với những tờ khai này, cán bộ Hải quan sẽ yêu cầu DN khai sửa tờ khai để đưa vào thanh khoản các tờ khai gia công và sản xuất xuất khẩu.

Vướng mắc về tạm nhập – tái xuất; tạm xuất – tái nhập hàng hóa, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, căn cứ qui định Điều 52, 53 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 và Điểm 95 công văn 7700/TCHQ-GSQL ngày 13-12-2014 qui định đối với hàng hóa là máy móc thiết bị tạm nhập tái xuất để phục vụ sản xuất và hàng hóa tạm xuất tái nhập để sửa chữa phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.

Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều DN tại Đồng Nai tạm nhập máy móc thiết bị được đóng chung hàng nguyên liệu NK để sản xuất, gia công và hàng hóa tạm xuất tái nhập để sửa chữa chung container hàng sản phẩm XK. DN phải làm thủ tục cho lô hàng tại 2 Chi cục khác nhau thuộc 2 Cục Hải quan khác nhau, điều này gây khó khăn cho DN về công sức, thời gian và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.   

Từ bất cập này, Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan cho phép DN được khai báo tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và thực hiện chuyển cửa khẩu chung với lô hàng đối với các trường hợp đóng chung container nêu trên.

Ghi nhận kiến nghị của Hải quan Đồng Nai, Vụ Pháp chế cho biết, về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công khuôn mẫu tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm đã được quy định cụ thể tại Điều 50 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan.

Theo đó, hàng hóa này được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất đối với máy móc, thiết bị, phương tiện thi công khuôn mẫu tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập để phục vụ hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, hoạt động của DN chế xuất thì thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất XK.

Kiến nghị về việc thành lập chi nhánh của DN chế xuất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP: “DN chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài DN chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này. Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể Điều này”.

Ngày 18- 4-2014, Tổng cục Hải quan có công văn số 4184/TCHQ-GSQL về việc thực hiện quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP: “DN chế xuất được tiếp tục thực hiện việc mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ đến hết ngày 30-6-2014. Trong thời gian này, đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn DN chế xuất hoàn thiện thủ tục thành lập chi nhánh theo quy định. Từ ngày 1-7-2014, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN chế xuất thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP”.

Tuy nhiên đến nay, các bộ chưa có văn bản hướng dẫn việc thành lập chi nhánh, điều này gây khó khăn cho các DN chế xuất trong hoạt động mua bán hàng hóa, phát sinh thêm chi phí cho việc thành lập chi nhánh.

Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp để sớm ban hành hướng dẫn việc thành lập chi nhánh của DN chế xuất để DN thực hiện. 

Trả lời kiến nghị này, Vụ Pháp chế cho biết, ngày 29-9-2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 13726/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc này. Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

T.TR (ghi)

>>Wiki Thủ Tục Hải Quan - Logistics VN<<

☻Bài học thì rất nhiều nhưng quan trọng là có nhớ được nó hay không. ☻Hãy loại bỏ từ "giá như" và những từ đồng nghĩa với nó ra khỏi cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *