Kết thúc Thương vụ Nước Tăng Lực – Thị trường Trung Đông, Châu Phi

Xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi: Lưu ý hợp đồng thương mại ba bên

Thương vụ Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Phi cần lưu ý cẩn thận với các hợp đồng ba bên để tránh bị bỏ hàng, từ chối hoặc chậm thanh toán.

Sau 58 ngày đấu tranh, vụ việc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống Việt Nam gặp rắc rối với đối tác Benin khi đơn hàng tới cảng nhiều ngày nhưng đối tác không nhận hàng, không thanh toán tiền – đã được xử lý dứt điểm, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được tiền thanh toán. Kết quả này là sự nỗ lực không mệt mỏi của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Đại sứ quán Việt Nam tại Marốc và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi: Lưu ý hợp đồng thương mại ba bên
Tránh rủi ro, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lưu ý cẩn thận với các hợp đồng thương mại ba bên, bao gồm qua trung gian và/hoặc một đối tác ký hợp đồng sau đó bán cho bên thứ ba với tư cách ủy thác nhận hàng

Thông qua vụ việc trên một lần nữa cho thấy những khó khăn của các thị trường tại Trung Đông – châu Phi nói chung và Tây Phi nói riêng, trong đó có Benin đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù là thị trường tiềm năng, song để tận dụng tốt thị trường, tránh rủi ro, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt lưu ý cẩn thận với các hợp đồng thương mại ba bên, bao gồm qua trung gian và/hoặc một đối tác ký hợp đồng sau đó bán cho bên thứ ba với tư cách ủy thác nhận hàng. “Bởi xử lý trục trặc có liên quan hợp đồng như này gặp nhiều khó khăn, có thể bế tắc do công tác can thiệp xử lý bị vướng các quy định luật pháp sở tại. Hơn nữa, việc thực thi công vụ tại sở tại thường không theo thông lệ hay các chuẩn mực thương mại quốc tế. Sự thông đồng, tiêu cực, đe dọa chức trách hỗ trợ doanh nghiệp… là khá phổ biến”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin cho biết.

Ngoài ra, trong hợp đồng ba bên, dù khách hàng chuyển cọc cao vẫn không “triệt tiêu” được rủi ro. Khi đối tác ký hợp đồng “trở mặt”, sẽ rất khó kiểm soát đầu nhận hàng do vướng nhiều quy định, tập quán. Vì vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Maroc lưu ý doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin bên nhận hàng. Đây là yếu tố sống còn trong các thương vụ dạng này.

Bên cạnh đó, để xử lý được vụ việc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần gắn kết duy trì trao đổi thông tin diễn biến với các Thương vụ, kịp thời ứng phó và can thiệp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ sở tại.

Trong bối cảnh hội nhập, kinh doanh thương mại quốc tế, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thương trường, va chạm nhiều vụ việc phức tạp, song vẫn không thể lường được những khó khăn do hành xử thiếu chuẩn mực và gian dối của đầu nhận hàng. Đơn cử như vụ việc của doanh nghiệp xuất khẩu nước tăng lực của Việt Nam ở trên, đối tác Benin đã “trở mặt”, mục tiêu cuối cùng của họ là thông đồng chờ thanh lý rẻ để chiếm hữu lô hàng.

Tuy nhiên, trước sức ép, biết không thể thực hiện được nên họ buộc phải thanh toán. Mặc dù thời gian xử lý chưa phải dài nhất, song đây cũng là một trong những vụ việc khó khăn nhất trong tổng số hơn 20 vụ việc bỏ hàng, chậm thanh toán và trục trặc đối tác xảy ra tại một số địa bàn do Thương vụ Maroc phụ trách trong hơn 3 năm qua”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Maroc nhấn mạnh.

Hiện nay, công ty Benin đã thanh toán tiền, song Thương vụ Maroc vẫn khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không giao dịch với Công ty SO.GE.COF, người giao dịch là ông Coulibaly Fako (địa chỉ C/664 03 BP 2179 Sainte-Rita, Cotonou, Benin) để tránh rủi ro, thiệt hại.

Thu Phương

Link bài viết: https://congthuong.vn/xuat-khau-sang-trung-dong-chau-phi-luu-y-hop-dong-thuong-mai-ba-ben-166884.html

Cộng Đồng Chia Sẻ

Comments

  1. >>Wiki Thủ Tục Hải Quan - Logistics VN<<

    Bài viết trước đó:
    Thận trọng khi giao dịch đối tác Benin tại Dubai

    Lại là câu chuyện về giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài, một doanh nghiệp về đồ uống của Việt Nam đã gặp “rắc rối” khi giao dịch với đối tác Benin tại Dubai, khi hàng đến cảng nhiều ngày nhưng đối tác không nhận hàng, không thanh toán tiền và cũng không đổi tên vận đơn gốc, để doanh nghiệp Việt có thể bán cho khách hàng khác.
    Thông tin từ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin, hiện nay, có 1 công ty của Việt Nam đã gặp trục trặc do bán 2 container nước tăng lực nhãn hiệu Buffalo Jungle cho Công ty Hi-Profile International General Trading Co có trụ sở tại Dubai do ông Khalifa (người Benin) làm giám đốc. Tuy nhiên, ông này đã có biểu hiện không uy tín trong giao dịch nhập khẩu, trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Hàng đến cảng Cotonou, chịu chi phí kho bãi, trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không thể liên hệ được với ông Khalifa, người trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng, chuyển cọc từ Dubai. Ông này vẫn xem tin nhắn liên hệ nhưng im lặng, không trả lời.

    Thận trọng khi giao dịch đối tác Benin tại Dubai
    “Đáng chú ý, khi thấy doanh nghiệp Việt Nam đổi vận đơn gốc, thì thông đồng với đầu Benin mở tờ khai hải quan nhưng không thanh toán với mục đích giữ hàng (do một người tên là Coulibaly Fako liên hệ qua Tel/Whatsap : +22997910830)”- đại diện của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin thông tin thêm.

    Ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ, Thương vụ Marốc đã giữ trao đổi thường xuyên với đại diện doanh nghiệp xuất khẩu và triển khai tất cả các biện pháp cần thiết bao gồm liên hệ với các cơ quan chức năng Benin như: Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp, liên hệ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Dubai, nhất là liên hệ tới Cảng vụ, Hải quan Cảng Cotonou, Benin…nhằm thúc đẩy xử lý vụ việc.

    Đồng thời, Thương vụ cũng giới thiệu đối tác giao nhận có uy tín tại cảng Cotonou hỗ trợ Công ty Việt Nam về thủ tục nhằm đổi tên vận đơn gốc với mục đích bán cho khách hàng khác. Tuy nhiên, quy định sở tại để làm thủ tục quay hàng về Việt Nam hoặc bán cho bên thứ ba cần có ý kiến của bên nhập khẩu, gây khó khăn cho xử lý vụ việc. “Chúng tôi cũng trực tiếp thuyết phục, gây sức ép nhưng các đối tượng không hợp tác. Trong trao đổi giữa hai bên doanh nghiệp, công ty Việt Nam đã thiện chí đề xuất không thu tiền 1 container hàng, nhưng đối tượng vẫn không chấp nhận”- đại diện của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin cho hay.

    Xét thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, để tránh rủi ro cho các doanh nghiệp khác, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm Benin khuyến cáo, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là ngành hàng đồ uống không giao dịch với đối tác Benin tại Dubai trên để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

    Ngoài ra, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này, cần tìm hiểu đầy đủ thông tin nhà nhập khẩu trước khi tiến hành giao dịch, bên cạnh các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang Benin và một số địa bàn Bắc Phi, Tây Phi như: cọc cao, xuất CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí), ghi tên bên xuất khẩu trên bill gốc, lưu ý về ngân hàng, phương thức thanh toán, hợp đồng giao nhận, hợp đồng qua trung gian…

    Thu Phương
    Link gốc: https://congthuong.vn/than-trong-khi-giao-dich-doi-tac-benin-tai-dubai-164895.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *